Trang chủ » Digital Marketing » 6 Bí quyết ứng dụng Email marketing hiệu quả

Digital Marketing

6 Bí quyết ứng dụng Email marketing hiệu quả

6 Tháng Bảy, 2022

Email marketing là một trong các phương pháp marketing phổ biến mà các doanh nghiệp thường áp dụng với chi phí 0 đồng và được đánh giá là hiệu quả tương đương với các phương pháp marketing có phí khác. Tuy nhiên, để đạt được một chiến dịch marketing qua email thật sự hiệu quả thì không phải ai cũng có thể làm được nếu không nắm vững các quy tắc cơ bản dưới đây. 

Do đó, doanh nghiệp cũng cần phải nắm rõ các yếu tố để xây dựng cho doanh nghiệp của mình một chiến dịch email marketing đúng đắn. Đầu tiên doanh nghiệp phải xác định được mục tiêu mà doanh nghiệp hướng đến, đối tượng khách hàng là ai và bạn muốn truyền đạt điều gì đến với khách hàng. Do đó, chúng ta có thể hiểu chiến dịch email marketing sẽ bao gồm các ý nghĩa sau:

“Chiến dịch tiếp thị qua email là chiến dịch bao gồm các email theo loại mà doanh nghiệp sử dụng để kết nối với nguồn khách hàng hiện tại và các khách hàng tiềm năng. Các chiến dịch được sử dụng như là một công cụ để thuyết phục khách hàng tham gia các hoạt động cùng với doanh nghiệp và là yếu tố quan trọng trong việc tiếp thị.”

Vì thế, để thực hiện được các chiến dịch email marketing hiệu quả, đúng đắn, hợp lý, các doanh nghiệp phải lưu ý các bí quyết sau:

Bí quyết thứ 1: Thiết lập và phát triển danh sách email (Email list)

Danh sách Email là tập hợp các địa chỉ email mà doanh nghiệp có thể tạo bằng cách thu hút các khách hàng tiềm năng thông qua các chiến dịch tạo nguồn khách hàng. Danh sách để gửi Email có thể được thu hẹp khi các thành viên từ chối đăng ký email và sẽ được mở rộng khi doanh nghiệp lấy thông tin liên hệ từ khách hàng đã truy cập trang web.

Nếu không chuẩn bị tốt ở khâu này, chiến dịch của bạn sẽ kết thúc ngay khi bắt đầu. Dưới đây là các bí quyết giúp bạn phát triển danh sách email của mình:

Khuyến khích người đăng ký chia sẻ và chuyển tiếp email của bạn

Đây là bí quyết mà doanh nghiệp có thể nắm bắt được hành động của khách hàng thông qua việc xây dựng các nút chia sẻ qua mạng xã hội hoặc nút “gửi email cho bạn bè” trong các email của mình. Rõ ràng, khi khách hàng hoàn tất thao tác đó là doanh nghiệp hoàn toàn có thể truy cập vào bạn bè, đồng nghiệp của họ và mở rộng danh sách email của mình

Tái tạo lại danh sách email cũ với chiến dịch chọn tham gia

Nhiều doanh nghiệp thường hay sơ ý bỏ quên danh sách email các khách hàng cũ và mất đi cơ hội phát triển danh sách email của mình. Do đó, hãy lưu ý đến khía cạnh này và tạo một chiến dịch “chọn tham gia” hấp dẫn, gửi nó đến danh sách khách hàng cũ để khuyến khích họ đăng ký lại.

Tạo ưu đãi/ công cụ để khách hàng cung cấp email

Các doanh nghiệp có thể dùng phương thức tặng ebook, pdf hoặc whitepaper miễn phí và lưu trữ nó trên trang đích yêu cầu khách hàng truy cập cung cấp địa chỉ email của họ để tải xuống. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng có thể tạo một vài công cụ miễn phí nhằm thu hút các địa chỉ email.

Tạo nội dung đọc tiếp

Trước tiên để có sự quan tâm của khách hàng đối với nội dung của mình, doanh nghiệp nên chuẩn bị tốt phần nội dung nhằm thu hút người đọc. Dưới hình thức là các bài blog , sau đó cho doanh nghiệp cung cấp cho họ một phần nội dung miễn phí và cung cấp phần “đọc tiếp” chỉ có thể đọc khi gửi địa chỉ email của họ thông qua trang đích.

Quảng bá qua mạng xã hội

Doanh nghiệp có thể dùng mạng xã hội để tạo các promotion hoặc give away hấp dẫn để lấy thông tin khách hàng. Hãy khuyến khích người đăng ký nhấp qua trang web của bạn và đăng ký bằng địa chỉ email của họ.

Bí quyết thứ 2: Truyền đạt hiệu quả, phù hợp với các đối tượng

Thư gửi đúng người, đúng thời điểm thì mới có thể tiếp cận được người nhận thư, do đó việc gửi thư đúng đối tượng là việc vô cùng quan trọng. Vì vậy, việc phân khúc khách hàng trong email marketing có thể đảm bảo các nhà tiếp thị có thể chạm đến điểm “G” của khách hàng và đạt được mục tiêu.

5 cách giúp bạn phân khúc khách hàng trong email marketing:

Nhân khẩu học

Là dựa vào độ tuổi, giới tính, khu vực sinh sống, nghề nghiệp của khách hàng để cung cấp đúng thông tin mà khách hàng cần. Đây là yếu tố quan trọng mà doanh ngiệp nên nắm rõ để bắt tay vào việc phân loại khách hàng – phân loại các địa chỉ email đúng đắn và hợp lý

Sở thích

Nếu nhà tiếp thị nắm được sở thích của khách hàng, chính họ cũng có thể nắm được nhu cầu của khách hàng để gia tăng tỷ lệ thành công của họ qua các chiến dịch email marketing. Nắm bắt được sở thích của khách hàng, tức là bạn gần như đã thấu hiểu được “insight” của họ – thấu hiểu tâm lý khách hàng

Lịch sử mua hàng (đối với khách hàng cũ)

Nghiên cứu hành vi mua hàng của các khách hàng cũ sẽ giúp các nhà tiếp thị nắm bắt đúng thị hiếu của họ. Qua đó, họ có thể thông qua lịch sử mua hàng để cung cấp các email marketing về các sản phẩm tương tự hoặc những phụ kiện đi kèm phù hợp. 

Mức độ tương tác email

Doanh nghiệp có thể kiểm tra hiệu quả của các công cụ đo lường trong email marketing như tỷ lệ mở thư, tỷ lệ nhấp chuột… để phân loại khách hàng nào quan tâm đến email marketing và khách hàng nào không quan tâm. Từ đó, các nhà tiếp thị sẽ thông qua kết quả để phân loại được nhóm khách hàng và có chính sách email marketing phù hợp.

Thông qua các khảo sát

Các nhà tiếp thị sẽ đưa ra các khảo sát để nhận các thông tin khách hàng, nhu cầu sở thích cũng như các phản hồi đề có thể phân khúc khách hàng. Dựa vào các số liệu qua các cuộc khảo sát, các doanh nghiệp sẽ có thông tin khái quát để có thể thực hiện tốt chiến dịch email marketing.

Xem thêm: Bí quyết viết tiêu đề email marketing tăng tỉ lệ mở thư

Bí quyết thứ 3: Thiết lập mục tiêu

Trước khi làm bất cứ việc gì, điều quan trọng là doanh nghiệp phải đặt ra mục tiêu mà mình hướng đến. Trước khi gửi các email marketing cho khách hàng tiếp theo, hãy dừng lại và đặt ra câu hỏi: “Mục tiêu tiếp thị qua email marketing của tôi là gì?”

Đây có phải là các mục tiêu của bạn?

1. Phát triển cơ sở dữ liệu khách hàng

2. Tiếp thị sản phẩm, dịch vụ

3. Giới thiệu sản phẩm trước khi phát hành (Demo)

4. Thu nhận phản hồi của khách hàng đối với sản phẩm demo và qua đó rút kinh nghiệm

5. Tạo khách hàng tiềm năng

6. Chuyển đổi nguồn khách hàng tiềm năng thành khách hàng

Do đó, khi xác định được mục tiêu của mình rồi, bạn mới có thể xác định được số liệu, phương thức, các mức đo lường để tiến hành các chiến dịch email marketing hiệu quả

Bí quyết thứ 4: Đo lường hiệu quả qua các công cụ

Sau khi đã lập được các mục tiêu cho các chiến dịch email marketing của mình, các doanh nghiệp buộc phải tiến hành bước đo lường hiệu quả. Trong Email marketing, có 6 mục mà các nhà tiếp thị nên lưu ý:

Click Through Rate (Tỷ lệ nhấp chuột):

Là tỷ lệ người nhận email đã nhấp vào một hoặc nhiều liên kết có trong một email nhất định. Chúng ta có thể lấy tổng số lần click hoặc lần nhấp duy nhất chia cho tổng số lượng email được gửi rồi nhân với 100. 

Ví dụ: Bạn nhận được 250 lượt nhấp trong số tổng 5000 email đã gửi đi thì nếu tính CTR thì mình có: 250/5000*100= 5% (CTR)

Đây là số liệu quan trọng giúp các nhà tiếp thị dễ dàng theo dõi và tính toán hiệu suất cho mỗi email cá nhân mà họ gửi. Từ đó, họ có thể dễ dàng chỉnh sửa và thay đổi để tối ưu hiệu quả.

Conversion Rate (Tỷ lệ chuyển đổi)

Là tỷ lệ người nhận email đã nhấp vào liên kết trong email và hoàn thành một hành động như mong muốn ( khách hàng cung cấp thông tin cá nhân, biểu mẫu tạo khách hàng tiềm năng, mua sản phẩm). Chúng ta có thể tính bằng cách lấy số người đã hoàn thành hành động chia cho tổng số email rồi nhân với 100.

Ví dụ: 800 người đã hoàn thành hành động trong các email trong  tổng số 20000 email đã được gửi thì ta tính được: 800/20000*100= 4% 

Tỷ lệ chuyển đổi được xem là yếu tố quan trọng trong việc đo lường mức độ bạn đạt được mục tiêu của mình. Vì tỷ lệ chuyển đổi này được gắn liền với mục tiêu chung của tiếp thị, cho nên việc tạo ra nội dung cho các hoạt động trong việc chuyển đổi là cực kỳ quan trọng.

Bounce Rate: Tỷ lệ thư trả lại

Là tỷ lệ phần trăm của tổng số email bạn không thể được gửi thành công vào hộp thư người nhận so với tổng số email mà doanh nghiệp đã gửi. Chúng ta có thể tính bằng cách tổng số email bị trả lại chia cho tổng số email và nhân với 100. 

Ví dụ: Có 120 email bị trả lại trong tổng số 30000 email đã gửi thì ta có thể tính được bounce rate như sau: 120/30000*100= 0.4%.

Có 2 loại bounce rate chủ yếu: hard bounce và soft bounce.

– Hard bounce: là loại thư bị trả lại do địa chỉ email không hợp lệ, không tồn tại và những loại email như vậy sẽ không được gửi lại. Do đó, doanh nghiệp nên lưu ý việc xóa các email này ra khỏi danh sách của mình, vì các nhà cung cấp dịch vụ Internet sử dụng tỷ lệ bounce để xác định tên danh tiếng của người gửi email. Nếu tỷ lệ này cao, sẽ khiến doanh nghiệp bạn trở thành người gửi thư rác.

– Soft bounce: là kết quả của các sự cố tạm thời đối với các email hợp lệ như hộp thư đến đầy hoặc sự cố với máy chủ người nhận. Máy chủ của các email này vẫn giữ email cho đến khi vấn đề được giải quyết hoặc doanh nghiệp có thể gửi lại các email này.

List Growth Rate (Tỷ lệ phát triển danh sách email)

Tốc độ phát triển danh sách email của bạn. Cách tính tỷ lệ này được thể hiện bằng số người đăng ký mới trừ đi số người hủy đăng ký và khiếu nại email / thư rác chia cho tổng số email trong danh sách rồi nhân với 100.

Email Sharing/ Forwarding Rate (Tỷ lệ chia sẻ/ chuyển tiếp email)

Là tỷ lệ người nhận email đã nhấp vào nút chia sẻ để đăng nội dung email lên mạng xã hội hoặc người đã nhấp vào nút chuyển tiếp gửi cho bạn bè. Cách tính tỷ lệ này được thể hiện qua số lần nhấp vào nút chia sẻ/ chuyển tiếp chia cho tổng số email và nhân với 100.

Overall ROI (Chỉ số tỷ suất hoàn vốn trong kinh doanh)

Là lợi tức đầu tư tổng thể cho các chiến dịch email của bạn. Cách tính tỷ lệ này được tính bằng cách lấy tổng số doanh thu bổ sung trừ cho số tiền đầu tư vào chiến dịch và chia cho số tiền đầu tư vào chiến dịch rồi nhân với 100.

Open rate (Tỷ lệ mở thư)

Là tỷ lệ người nhận email mở một email nhất định. Hầu như ngày nay các nhà tiếp thị vẫn đang cải thiện tiêu đề hoặc chủ đề để tăng tỷ lệ mở. Tuy nhiên tỷ lệ mở chỉ có thể tính như một yếu tố tham khảo để doanh nghiệp có thể so sánh số liệu trong thời gian khác nhau để đo lường tính vì nó  thường không nói lên được các yếu tố chuyên sâu khác.

Unsubscribe Rate (Tỷ lệ hủy đăng ký)

Nhiều người đăng ký không muốn tiếp tục theo dõi vì không muốn nhận email từ bạn và tỷ lệ này giúp doanh nghiệp tính được tốc độ tăng trưởng danh sách tổng thể của bạn.

Xem thêm: Các lỗi sai cơ bản mà bạn thường gặp khi tạo email marketing

Bí quyết thứ 5: Tối ưu hóa Email Marketing

Đây là một trong các yếu tố mà nhiều doanh nghiệp thường mắc sai lầm khi xây dựng chiến dịch email marketing. Họ thường tập trung nhiều vào thiết kế, nội dung, hình thức, khách hàng mà quên mất việc xem trọng việc tối ưu hóa email của họ trên các thiết bị. Theo thống kê của Litmus (2019) 61.9% người dùng có thói quen mở email trên điện thoại, 9.8% trên máy tính bàn and 28.3% trên webmail client.

Một chiến dịch email marketing hoàn hảo không thể thiếu yếu tố tối ưu hóa trên mọi thiết bị mà người dùng có thể trải nghiệm email trên cả desktop, tablet và điện thoại di động. Đặc biệt, ngày nay khi xu hướng sử dụng điện thoại di động ngày càng tăng thì các doanh nghiệp nên lưu ý việc thiết kế email có thể hiển thị mượt mà trên điện thoại. Theo thống kê, hiện nay có khoảng 73% doanh nghiệp ưu tiên việc tối ưu hóa thiết bị di động khi bắt tay vào các chiến dịch email.

Bí quyết thứ 6: Xây dựng nội dung Email marketing chất lượng

Cá nhân hóa email

Đây là một trong các yếu tố quan trọng giúp khách hàng đánh giá sự chuyên nghiệp và tận tâm của bạn. Chẳng có khách hàng nào vui lòng hoặc click vào đọc thư nếu như là tên của ông bà nào đó hoặc chỉ là kính gửi ông bà nhàm chán.

Chú ý cách làm tiêu đề

Kết quả hình ảnh cho tittle

Đây là một trong các yếu tố quan trọng trong việc kích thích hành động của người nhận email vì nếu tạo một tiêu đề nhàm chán, người nhận không ngại thẳng tay bỏ thư vào mục spam hoặc ngó lơ. Do đó bạn cần chú ý các cách đặt tiêu đề như sau:

– Chứa khoảng 40-50 từ.

– Tránh các từ khóa có tính chất spam.

– Tiêu đề ngắn gọn nhưng xúc tích, đánh vào tâm lý người đọc (gây xúc động, tạo tò mò, đánh thẳng vào lợi ích cho người đọc hoặc mang tính hối thúc “nhanh tay lên, số lượng có hạn” hoặc đưa ra thời hạn để thúc đẩy hành động).

– Tạo các tiêu đề theo cấu trúc: Đặt câu hỏi (8/3 đến rồi, bạn sẽ tặng gì cho mẹ?), Liệt kê bằng số lượng (7 bí quyết giúp doanh nghiệp Marketing 0 đồng), Trả lời cho cho câu hỏi Làm thế nào để (Làm sao để giảm cân không gây hại sức khỏe?), Cung cấp tin tức, Có tính chất mệnh lệnh (Dừng ngay các thói quen sau để sở hữu mái tóc khỏe đẹp).

Hình ảnh email 

Một email thu hút người đọc phải có sự chỉn chu trong phần đọc và nhìn, cho nên nếu chỉ gửi một email mà chữ chiếm số lượng lớn thì email marketing đó khó có thể thuyết phục được người nhận mở ra đọc. Do đó, doanh nghiệp nên lưu ý phần thiết kế banner, logo, hình nền có màu sắc nhã nhặn, không gây phản cảm tầm nhìn, đủ ấn tượng để thu hút.

Thiết kế email

Doanh nghiệp phải lưu ý cân chỉnh kích thước của email có độ rộng thích hợp và vừa phải, khoảng từ 500-600 pixel. Nếu xây dựng nội dung email quá lớn, người dùng sẽ phải xoay ngang điện thoại hoặc chuyển công cụ để theo dõi. Nhưng không phải ai cũng sẽ chuyển đổi công cụ để theo dõi email cho nên tỉ lệ bỏ qua email của bạn rất cao.

Call to Action thích hợp

Call to Action là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến hành động của người nhận mail. Do đó, chúng ta phải lưu ý đặt nó ở vị trí dễ nhìn, dễ đọc và có chứa các từ ngữ có thể kích thích hành động như: Nhấn ngay để xem, Click để nhận ưu đãi, Download ngay, Đăng ký liền tay, Mua ngay, Thử miễn phí, Đọc thêm…Ngoài ra bạn cũng cần phải lưu ý màu sắc, hình dạng của CTA có phù hợp với màu sắc, thiết kế của website hay không.

Nội dung email

– Đặt nội dung quan trọng lên đầu thư là lưu ý đầu tiên đối với các email marketing – là yếu tố để người nhận email quyết định là có nên đọc tiếp thư của bạn hay là không? Nếu phần thư của bạn cứ lan man không xác định được nội dung chính, người dùng sẽ nhanh chóng cho thư của bạn vào thùng rác.

– Ngoài ra, khi xây dựng nội dung, người tiếp thị cũng cần phải xác định nội dung chỉ tiêu chủ yếu, tránh việc ôm xô quá nhiều chi tiết, thông tin làm người đọc không đi đến được trọng tâm

– Dùng lời chào chuyên nghiệp: Tránh dùng các từ ngữ xưng hô thiếu trân trọng, không nghiêm túc hoặc quá trang nghiêm. Hãy đảm bảo bạn nắm bắt được thông tin của các email mà bạn gửi thay vì sử dụng hàng loạt lời chào sáo rỗng, giống nhau hàng loạt.

– Dùng font chữ đồng nhất: Bên cạnh đó, việc sử dụng các phông chữ quá lạ, chỗ to, chỗ nhỏ sẽ khiến người đọc khó tiếp cận được nội dung và đánh giá thấp tính chuyên nghiệp của bạn. Các font chữ phổ biến hiện nay mà chúng ta có thể sử dụng là Times New Roman, Arial, Calibri…

– Chú ý văn hóa ngôn ngữ: Quan trọng nhất là bạn không được để cho email của bạn vấp phải lỗi chính tả nào nếu không muốn đánh giá là thiếu chuyên nghiệp. Thêm vào đó, cần phải lưu ý cách dùng từ, sử dụng ngôn ngữ đúng mực, thiện cảm.

Có Footer để liên hệ


Đây là yếu tố thường xuyên bị bỏ quên vì thường được cho là không quan trọng. Tuy nhiên, đối với một email marketing thì thông tin liên hệ công ty gồm website, số điện thoại, email, địa chỉ, liên kết mạng xã hội nhằm tăng mức độ tin tưởng cho người đọc. 

Vậy là GoSELL đã tổng hợp xong 6 bí quyết quan trọng giúp doanh nghiệp có thể ứng dụng chiến dịch email marketing thành công và hiệu quả. Ngoài ra, bên cạnh Email Marketing, còn có rất nhiều các phương pháp giúp cho doanh nghiệp thực hiện marketing với chi phí 0 đồng.

Bài viết cùng chuyên mục